Vào cuối thế kỷ XIX, dân tộc Việt Nam bị thực dân Pháp thống trị.Khi đó, thực dân Pháp và giai cấp phong kiến đã cấu kết với nhau thống trị nước ta, dân ta một cổ hai tròng, thân phận nô lệ bị đọa đày áp bức và đau khổ không kể xiết. Các phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng Việt Nam, tuy nổ ra liên tiếp và theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường khác nhau, nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can... đi tìm đường cứu nước, nhưng kết cục đều bị thất bại.
Giữa hoàn cảnh tối tăm ấy, từ những khó khăn chưa có lối thoát, cách đây 110 năm, ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng – Bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Trévillle ra đi tìm đường cứu nước.
Bến cảng Nhà Rồng - nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Ban đầu Người làm phụ bếp trên một con tàu thủy để đến được nước Pháp. Sau khi đến nơi, Người vừa lao động kiếm sống, vừa tìm hiểu tình hình thực tế tại Pháp. Trên con đường tìm chân lý của mình, Nguyễn Tất Thành còn đi đến “những đất tự do, những trời nô lệ”, tìm hiểu đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, giới thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ, đến các nông thôn hẻo lánh ở New York, Luân Đôn, Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức các phong trào cách mạng. Người phát hiện ra rằng ở đâu cũng có hai hàng người bóc lột và bị bóc lột.
Năm 1917, Người trở lại nước Pháp, với tư duy biện chứng và tầm nhìn rộng lớn, Người đã tích cực tham gia hoạt động ở các tổ chức, như: Đảng Xã hội Pháp, Hội những người Việt kiều yêu nước tại Pháp để lên án, vạch trần bản chất của đế quốc xâm lược, chỉ ra nỗi khổ cực của người dân nô lệ và tập hợp lực lượng cách mạng quốc tế… vì Người nhận thấy mối liên hệ của Đảng với khát vọng giải phóng dân tộc của mình.
Tháng 11/1917, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử xã hội loài người. Trong khoảng giữa tháng 6/1920, Người tham gia sinh hoạt trong Đảng Xã hội Pháp. Trong hai ngày 16 và 17/7/1920 trên báo Nhân đạo đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.ILênin (được gọi tắt là Sơ thảo luận cương).Với tiêu đề chạy suốt cả trang báo đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của Nguyễn Ái Quốc. Tên bài báo có liên quan đến vấn đề thuộc địa - một vấn đề mà Người đang theo đuổi tìm kiếm. Đọc Sơ thảo luận cương của Lênin là sự kiện mang tính chất bước ngoặt đối với Nguyễn Ái Quốc. Người đã khẳng định: “Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Sau nhiều năm tìm tòi cuối cùng Nguyễn Ái Quốc cũng tìm ra được “cẩm nang” để giải phóng dân tộc.Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin.Chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến cuộc gặp gỡ kỳ thú đó. Nó tạo ra bước chuyển căn bản, quyết định trong nhận thức tư tưởng của nhà cách mạng Việt Nam trẻ tuổi và mở đầu một chuyến biến cách mạng thực sự trong lịch sử tư tưởng nước ta.
Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương.
Trong quãng thời gian từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án Chế độ thực dân Pháp” và “Đường kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, Người tập trung cho việc chuẩn bị cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Người tại Hương Cảng, Trung Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cơ sở Đảng đã nhất trí thành lập một Đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sản phẩm của sự kết hợp của Chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước ngoặt vĩ đại trong Cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân.
Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia trong suốt 30 năm bôn ba nước ngoàicủa Bác Hồ chính là hành trình vừa tìm đường cứu nước, vừa kiên trì chiến đấu đầy bản lĩnh và trí tuệ để bảo vệ con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Thành quả vĩ đại của cuộc hành trình đó thể hiện ở chỗ: Những câu hỏi lớn nhất đối với dân tộc Việt Nam, với Cách mạng Việt Nam, mà trước đó chưa ai tìm được câu trả lời, đã được Người giải đáp sáng tỏ, đầy sức thuyết phục.
Như vậy, với tinh thần yêu nước nồng nàn, Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc, kết tinh sâu sắc bản chất giai cấp công nhân trong sáng, Người đã gắn bó máu thịt với nhân dân, đã hy sinh chiến đấu suốt đời, lấy sức ta mà giải phóng cho ta.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta từ ngày thành lập Đảng. Kiên định và thực hiện sáng tạo đường lối nhất quán ấy.
Ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện. Suốt cuộc đời vì nước vì dân, di sản vô giá mà Người để lại cho Tổ quốc ta, nhân dân ta chính là tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sáng ngời cùng thời gian.
Kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), chúng ta luôn ghi nhớ đây là cột mốc quý, mốc son vàng của lịch sử dân tộc, có ý nghĩa trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam. Nhớ về Người, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Việt Nam nói chung và huyện Ia H'Drai nói riêng quyết tâm phấn đấu đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Đồng thời, ra sức đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, biểu hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc và đời sống hằng ngày; noi theo tác phong giản dị, tinh thần cầu tiến, hoài bão cống hiến của Bác Hồ làm kim chỉ nam cho suy nghĩ và hành động, biến việc học tập cuộc đời, sự nghiệp của Bác thành mối quan tâm thường xuyên trong mỗi con Lạc cháu Hồng đất Việt, “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng “Ý Đảng, lòng dân”, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.
Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.
Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.
Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999