banner
Thứ 7, ngày 6 tháng 7 năm 2024
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012
16-2-2022

Sáng 15/02, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu huyện Ia H'Drai

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu huyện Ia H'Drai có các đồng chí Nguyễn Hữu Thạch, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Võ Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát khai mạc hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là một sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra những định hướng, giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực kinh tế tập thể đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Việc thống nhất nhận thức và quan điểm phát triển, tạo tâm lý xã hội thuận lợi cho kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng.

Việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có bước phát triển mới về chất và lượng, đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài và ngày càng khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển trong tương lai. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực kinh tế tập thể với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là hợp tác xã, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực kinh tế tập thể của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng khu vực kinh tế tập thể còn thấp và tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm liên tục, không đạt được mục tiêu Nghị quyết đề ra; công tác nghiên cứu lý luận về hợp tác xã chưa có hệ thống, chưa có các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy chuyên sâu về hợp tác xã; khung khổ pháp luật, chính sách về hợp tác xã còn nhiều rào cản đối với sự phát triển đối với hợp tác xã, chưa bao quát được sự phát triển sinh động của các loại hình kinh tế hợp tác ở nước ta...

Cùng với thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 20 tháng 11 năm 2012, Quốc hội thông qua Luật Hợp tác xã, chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của khu vực hợp tác xã. Các hợp tác xã bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển hợp tác xã.

Trong đó, công tác xây dựng, ban hành, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã, tuyên truyền về mô hình hợp tác xã kiểu mới được thực hiện khá đầy đủ ở Trung ương và địa phương. Bộ máy quản lý và tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã được củng cố, tăng cường hơn ở các cấp, các ngành. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước riêng cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã bước đầu được triển khai thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025, các Đề án xây dựng các mô hình thí điểm hợp tác xã kiểu mới, công tác hợp tác quốc tế được thúc đẩy.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển. Hợp tác xã ở nước ta đã được hình thành và phát triển qua các thời kỳ với những bước thăng trầm của lịch sử, các hợp tác xã đã vượt qua khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong 20 năm qua, Nghị quyết số 13-NQ/TW đã được các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc, từ việc học tập, quán triệt và thể chế hóa, đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra. Theo đó, 100% các tỉnh, thành phố ban hành đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể theo từng giai đoạn. Nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về hợp tác xã kiểu mới được nâng lên, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cơ bản xây dựng, ban hành hệ thống quy định pháp luật và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo yêu cầu của Nghị quyết và tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của từng giai đoạn phát triển.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ban, bộ, ngành tiếp tục xây dựng chính sách phát triển kinh tế tập thể. Xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế tập thể. Phát triển kinh tế tập thể theo hướng sáng tạo, khoa học, công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Huy động mọi nguồn lực đầu tư vào khu vực kinh tế tập thể. Nghiên cứu, có mô hình quản trị kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã tiên tiến, kết hợp với mô hình phát triển truyền thống và phù hợp với tình hình phát triển trong nước, quốc tế trong thời kỳ mới. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các sản phẩm của kinh tế tập thể, các hợp tác xã…

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trao các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW  và Luật Hợp tác xã năm 2012.

 

Tin, ảnh: Phương Dung
Số lượt xem:267
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 4502 Số người online:
Phát triển:TNC