banner
Thứ 7, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn huyện Ia H’Drai.
20-2-2017
Từ những năm đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu, những tàn dư của chế độ phong kiến, thực dân để lại, xây dựng và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng tình làng nghĩa xóm, lá lành đùm lá rách…Qua các giai đoạn lịch sử của cách mạng, Ðảng, Nhà nước ta đều có những văn kiện, Nghị quyết, Chỉ thị xây dựng một nền văn hoá Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ðặc biệt, ngày 16-7-1998, Ban chấp hành Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết nêu ra 5 quan điểm chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 giải pháp lớn, trong đó có giải pháp "Phát động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, huy động mọi lực lượng Nhân dân và cả hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Ðảng, cơ quan nhà nước, các Đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào”. Bao gồm các phong trào hiện có như: "Người tốt việc tốt, Uống nước nhớ nguồn, Ðền ơn đáp nghĩa, Xoá đói giảm nghèo, Xây dựng thôn, làng, xã, văn hoá, toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư "... và toàn bộ các phong trào ấy đều hướng vào cuộc thi đua yêu nước "Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh".

Trong giai đoạn hiện nay, là một huyện mới thành lập, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn. Huyện ủy, HĐND-UBND huyện, các Ban chỉ đạo huyện và các cấp cơ sở cần có nhiều chủ trương, kế hoạch, biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của địa phương.

Ngay sau khi thành lập huyện, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-UBND, ngày 14/10/2015 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Ia H’Drai do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban chỉ đạo. Tính đến thời điểm tháng 2/2017, được UBND huyện, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện giao bộ phận Văn hóa, Thông tin (phòng Giáo dục & Đào tạo kiêm nhiệm) là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo của huyện hoàn chỉnh các văn bản và kế hoạch xây dựng đời sống văn hóa của huyện để triển khai tới các xã và cơ sở, huyện Ia H’Drai mới có gần hai năm thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa. 

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, thôn văn hóa được triển khai trên địa bàn huyện Ia H’Drai hơn một năm qua đã thu được những kết quả tốt đẹp, góp phần bảo tồn, phát huy được các giá trị truyền thống và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, HÐND- UBND huyện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, các ngành, các đoàn thể và Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong các địa phương, đơn vị, tác động sâu sắc đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và an ninh quốc phòng trên địa bàn.  

Nhưng dù là xây dựng nếp sống văn hóa trước đây hay phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" hôm nay thì phong trào cốt lõi, xuyên suốt vẫn là xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, thôn văn hóa, mà nội hàm của nó đã bao gồm phong trào người tốt, việc tốt, xây dựng các điển hình tiên tiến; phong trào toàn dân rèn luyện sức khoẻ theo gương Bác Hồ vĩ đại; phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. . .

Ðến nay, qua gần hai năm xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa toàn huyện đã có 765 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm 2016. Trong đó xã Ia Dom 158 hộ; xã Ia Tơi 217 hộ; xã Ia Đal 391 hộ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa thì còn có những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục để thực sự trở thành một phong trào của toàn dân nhằm thực hiện tốt cuộc vận động "'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Ia H’Drai.

Trong thời gian tới Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện cần có giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, thôn văn hóa như sau:

1. Vị trí, vai trò của Ban chỉ đạo các cấp, trong đó ngành Văn hoá thông tin là nòng cốt, có một vị trí ảnh hưởng to lớn đến phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, thôn văn hóa.

- Với Ban chỉ đạo huyện: Tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định thành lập Văn phòng Thường trực BCĐ; phân công trách nhiệm cho các thành viên BCĐ. Xây dựng kế hoạch chỉ đạo hằng năm đối với cuộc vận động, sơ kết 6 tháng đầu năm, sơ kết 9 tháng để rút ra bài học chỉ đạo; các thành viên Ban chỉ đạo của huyện được phân công theo dõi các xã phải chỉ đạo phong trào cơ sở kết hợp với công việc của ngành chuyên môn để tổng kết cuộc vận động vào cuối năm.

- Ban chỉ đạo huyện ngay từ đầu năm xây dựng chương trình chỉ đạo cuộc vận động với những nội dung thiết thực và cụ thể, đồng thời hướng dẫn thực hiện và kiểm tra định kỳ cơ sở nhằm khắc phục tình trạng yếu kém trong triển khai phong trào xây dựng thôn văn hóa, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hóa gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới kết hợp với việc xây dựng cơ sở Ðảng trong sạch vững mạnh và các nhiệm vụ chính trị khác ở từng địa phương, để từ đó tạo nên sự chuyển đổi lớn về chất của phong trào.

- Với Ban chỉ đạo ở các xã cần được tiếp tục củng cố theo đúng hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương.

- Ðảng uỷ, UBND các xã cũng như Ban chỉ đạo cùng cấp phải thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo thực hiện các nội dung của cuộc vận động, quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa như: Nhà văn hóa, Trạm truyền thanh, tủ sách, Hội trường thôn.  

2. Xây dựng Hương ước, Quy ước thôn là một điều kiện để xây dựng thôn văn hóa. Muốn nâng cao chất lượng thôn văn hóa, gia đình văn hóa chúng ta phải quan tâm đến việc xây dựng Quy ước văn hóa. Quy ước này phải được UBND cấp huyện phê duyệt. Cần phải đặt quy ước trong mối liên hệ với các thiết chế chính trị, xã hội đã có của thôn làng. Thôn làng hiện đang được khẳng định trở lại như một chủ thể mang tính tự quản cao, thể hiện tinh thần làm chủ tập thể của cư dân trong cộng đồng dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Ðảng và chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng quy ước thôn làng làm cơ sở cho việc quản lý và xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc kết hợp giữa quản lý hành chính và tự quản, giữa yếu tố truyền thống (văn hóa, phong tục tập quán) và hiện đại, giữa pháp luật và tục lệ. Ðây là con đường đúng đắn để xây dựng và quản lý nông thôn, quản lý cơ sở, cụm dân cư theo đặc trưng truyền thống của xã hội Việt Nam.

3. Vấn đề văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa.

- Gia đình là tế bào của xã hội, chính vì vậy xây dựng gia đình văn hóa là điều kiện tiên quyết để xây dựng thôn làng văn hóa. Vì gia đình là tổ ấm, gia đình hình thành các công dân tương lai của đất nước, tình yêu, lòng biết ơn, lương tâm, trách nhiệm. Ðó là nơi mỗi con người cất tiếng khóc chào đời, được lớn lên từ dòng sữa và tiếng hát ru của người mẹ, từ nề nếp và khí phách của người cha, từ ngày giỗ, ngày tết gắn với niềm tin của cả họ hàng.  Hạnh phúc gia đình, sự yên vui của ông bà, cha mẹ và làng xóm là những đứa con ngoan, những đứa trẻ chăm học, chăm làm, biết giúp đỡ cha mẹ và quan tâm tới láng giềng. Xây dựng các gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, thôn văn hóa có một vị trí hết sức quan trọng trong tiến trình lịch sử phát triển của văn hóa dân tộc. Nó luôn luôn bảo tồn, giữ gìn văn hóa dân tộc. Vai trò của văn hóa thôn, làng, xã trong quá trình đổi mới văn hóa ở cơ sở hiện nay là hết sức to lớn. Xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa đã khơi dậy và phát huy tinh thần cộng đồng, tình yêu quê hương của mỗi người dân về đoàn kết, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tự quản quyết tâm xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp văn minh. Nhờ có ý chí quyết tâm đó mà nhiều nơi Nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng đường giao thông, nhà trẻ, nhà văn hóa... Qua thực tế phong trào những nơi làm tốt công tác xây dựng thôn làng văn hóa, gia đình văn hóa thì đoàn kết cộng đồng và tình nghĩa làng xóm được nâng lên, việc chấp hành luật pháp tốt hơn, trật tự trị an đảm bảo, các tệ nạn xã hội được ngăn chặn, đẩy lùi; kết cấu hạ tầng như: điện-đường- trường-trạm, các phong trào giảm nghèo thực hiện tốt, ít hộ nghèo, không còn hộ thiếu đói, tăng hộ giàu, vệ sinh phòng bệnh, kế hoạch hoá gia đình, hoạt động văn hóa thể thao cũng được đẩy mạnh.  

4. Vai trò của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương.

Có thể nói, vai trò của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương có một vai trò to lớn trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa. Ðó là các phong trào "'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" của Mặt trận Tổ quốc; là phong trào "Hộ nông dân sản xuất giỏi ", "Gia đình nông dân hạnh phúc "của Hội nông dân; là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của Hội phụ nữ; là phong trào “ Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp và năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”  của Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; là phong trào "Phát huy truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ" của Hội Cựu chiến binh; là phong trào "Kỷ cương; tình thương, trách nhiệm" của ngành Giáo dục & Đào tạo…. như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt phong trào là vai trò của Chi bộ và Ban quản lý thôn, khu dân cư trong việc chỉ đạo xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến. Xây dựng thôn làng văn hóa, gia đình văn hóa đã khơi dậy và phát huy tinh thần cộng đồng, tình yêu quê hương của mỗi người dân về đoàn kết, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tự quản, quyết tâm xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp, văn minh. Xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa vừa là mục tiêu, động lực để xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy các phong trào, các chương trình kinh tế - xã hội phát triển./.

                                                                                    Lê Đại

Số lượt xem:4006
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 9079 Số người online:
Phát triển:TNC