Ngồi trên thuyền máy do anh Nguyễn Văn Triều cầm lái đầu tư với số tiền hơn 100 triệu đồng, cùng đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho du khách như áo phao và phao cứu sinh, tôi cảm nhận được cuộc sống của người dân lòng hồ Thủy điện Sê San 4 đã đổi thay và khác so với 10 năm trước rất nhiều, khi họ mới đặt chân đến đây để quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, trên quê hương thứ hai của mình. Tiếng máy nổ của các thuyền đang chạy ngược, xuôi trên hồ dội lại làm xao động cả một vùng. Gió thổi lồng lộng trên mặt hồ, thoảng mùi ngai ngái, nồng nồng đặc trưng vùng sông nước.
Thuyền cặp nhà bè của anh Triều, du khách nhanh chóng tỏa ra, người thì háo hức cho cá ăn, người đi xem phơi cá, làm mắm, tiếng cười nói râm ran. Còn tôi, loanh quanh bên anh Triều để hỏi về công việc hằng ngày của anh.
Anh Triều nói, khi khói xám sau những căn nhà bè bắt đầu nổi lên là cánh đàn ông lại chuẩn bị đi thả rớ, thả lưới. 10 năm sinh sống trên lòng hồ này, những chiếc bè của anh và người dân chung quanh ngày một rộng hơn, chắc chắn hơn, cuộc sống khấm khá hơn nhiều, tuổi có già đi và con cái được biết thêm cái chữ, nhưng với những người đàn ông tứ xứ tụ họp về đây vẫn vậy: đêm kéo rớ, kéo lưới ngày đi thả rớ và lưới, rồi bán cá cho thương lái. Anh Triều thủ thỉ, 10 năm trước lòng hồ Sê San 4 mênh mông quạnh hiu, cá nhiều vô kể. Ngày đầu về đây, người Thừa Thiên Huế, Quảng Bình thì đánh cá bống, cá chạch; dân miền tây đánh cá mè dinh, cá lăng đuôi đỏ; còn dân miền trung, miền Đông Nam Bộ thì... cá gì cũng đánh. “Bây giờ cá ít và khôn hơn, cứ bơi dưới thân cây gỗ mục lòng hồ, ít ngoi lên nên thả lưới sâu xuống là rách hết. Xưa có đêm bắt nửa tạ cá, ít cũng từ 10 kg đến 20 kg. Vài năm nay chỉ vài ba ký nên anh em phải chuyển sang đánh rớ”, nói rồi anh Triều chỉ tay hướng ra ngoài xa cho tôi biết nơi có những bè rớ được người dân ở đấy đóng và thả nổi trên mặt hồ.
Khoảng 17 giờ, khi hoàng hôn buông xuống, chúng tôi lên thuyền theo chân anh Triều và các hộ dân ở làng chài chuẩn bị đồ nghề để đi thả lưới, thả rớ. Không khí trở nên nhộn nhịp bởi âm thanh của xuồng máy và tiếng ngư dân gọi nhau. Gia đình anh Triều có tất cả 20 rớ, mỗi chiếc đầu tư khoảng bốn triệu đồng. Vừa đi anh vừa giới thiệu cho tôi, mỗi rớ đặt cách nhau ít nhất 200 m, chúng tôi đã phân chia rõ ràng khu vực để các gia đình không tập trung khai thác ở một chỗ, mỗi lần đi thả rớ phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới quay về bờ vì quãng đường khá xa. Mỗi rớ sẽ được lắp một bình ắc-quy dùng để đấu điện phát sáng một bóng đèn. Đó là cách bắt cá cơm Sê San. Cứ giăng rớ ra, thả đèn xuống, cá cơm thấy ánh sáng là bu lại. Khoảng 3 giờ sáng hôm sau lại đi thuyền ra kéo rớ và thu hoạch cá về. Ai ngại thì chở ra chợ Sê San bán, siêng thì mang về phơi khô bán dần. Đến nay, cá cơm Sê San đã trở thành đặc sản nổi tiếng. Khi những mẻ rớ cất lên xong, những người dân làng chài Sê San quay lại nhặt sạch từng cọng rác, từng vật thải trôi trên mặt sông. Không phải vì hàng trăm con người luôn ngụp lặn, rong ruổi trên sông nên họ làm thế mà đó là lẽ sống. Anh Triều bảo: Làm ô nhiễm sông cũng có nghĩa là làm hại mình, ý nghĩ ấy ăn sâu vào nếp nghĩ của xóm chài này. Sống được nhờ các sản vật trên sông cho nên hơn trăm con người ở làng chài Sê San luôn xem sông như một sinh thể, như bạn tri kỷ để tự nhắc nhở mình đừng làm điều gì xâm hại đến sông.
Anh Đặng Văn Thuộc, Giám đốc Hợp tác xã Sê San, thấy nhà anh Triều có khách đến chơi cho nên chèo thuyền sang trò chuyện cùng chúng tôi. Anh quả quyết rằng: Tôi là một trong những người đến đây đầu tiên cùng anh Triều, thông thạo tất cả các luồng cá nhưng tôi luôn nhắc nhở các hộ dân làng chài, không bao giờ đánh bắt kiểu tận diệt, chỉ đánh bằng lưới, rớ truyền thống. Chúng tôi thống nhất làm mắt rớ theo kích cỡ nhất định, chỉ có cá to và đúng kích cỡ mới thu hoạch còn cá con, cá bé sẽ lọt rớ để tiếp tục phát triển. Đặc biệt từ ngày 14 đến 20 âm lịch hằng tháng người dân làng chài sẽ không đi kéo rớ và thả lưới vì đây là chu kỳ sinh sản của cá cơm. Những lúc khó khăn nhất cũng tuyệt đối không ai được dùng chất nổ đánh cá sông. Đó là tội ác, là hủy hoại sông.
Nhẹ nhàng bước chân qua những chiếc ván gỗ được bắc để nối bè nổi của các nhà với nhau, giúp cho các gia đình ở gần có thể sang nhà trò chuyện, tôi gặp ông Nguyễn Văn Tùng năm nay đã ngoài 70 tuổi. Nở nụ cười rạng rỡ khi đón người khách lạ sang thăm, ông vui vẻ kể: Sáng nào ông cũng dậy từ rất sớm để chờ đón nắng ban mai, sau đó mới bắt đầu một ngày làm việc của mình. “Trước đây, cả gia đình sáu người chúng tôi bám trụ ở một dòng sông dưới tận miền đông, nhưng ở đó người ta bạc tình với sông, không bảo vệ sông cho nên phận người cùng nghèo mạt khi sông ô nhiễm, chẳng còn tôm cá nữa. Lên đây, ai cũng có ý thức gìn giữ dòng nước, cảnh quan, nhờ vậy đời sống đã ấm no lên” - ông Tùng nói.
Làng chài sang trang
Trải qua gần 10 năm bám trụ trên dòng Sê San, cuộc sống của các hộ dân làng chài vẫn bấp bênh, con cái không có điều kiện đi học, cuộc sống lênh đênh theo dòng nước. Qua quá trình theo dõi thấy các hộ dân ở xóm chài đều làm ăn siêng năng, lương thiện và có nguyện vọng định cư lâu dài cho nên lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho các hộ dân từng bước ổn định cuộc sống. Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, niềm vui của làng chài được nhân lên nhiều lần khi tất cả 29 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu đều được nhập khẩu, được cấp 400 m2 đất thổ cư và mỗi hộ được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà. Từ chỗ sống lênh đênh, bấp bênh theo dòng nước, người dân xóm chài đã được định cư.
Anh Nguyễn Văn Triều cho biết, cùng số tiền 50 triệu đồng, hầu hết các gia đình xóm chài đều cố gắng xoay xở góp vào từ 50 đến hơn 100 triệu đồng để làm nhà. Vì vậy, 29 ngôi nhà Đại đoàn kết khang trang, rộng rãi, diện tích từ 80 m2 đến 120 m2 mái lợp tôn, nền gạch hoa đã được khánh thành. Lên bờ, nhiều gia đình đã mua được xe máy, ti-vi, tủ lạnh. Đồng chí Trần Trung Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khu làng chài được Nhà nước đầu tư hơn ba tỷ đồng, kéo điện lưới về thôn. Thời gian tới, chúng tôi đang tập trung đưa nước sạch đến với từng hộ dân vì đây vẫn là vấn đề cấp bách nhất hiện nay.
Để việc học của con em làng chài có được như ngày hôm nay các gia đình luôn biết ơn ông Nguyễn Quang Thọ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia H’Drai. Ông Thọ đã đến từng nhà vận động, tạo điều kiện để đưa con em họ đến lớp. Ông Thọ chia sẻ kỷ niệm những ngày đầu đi vận động các gia đình: Người dân xóm chài hầu hết ngại đưa con đến trường vì phải đưa đi đón về vào bờ mất nhiều thời gian. Họ suy nghĩ rất đơn giản rằng, cha mẹ và bản thân sinh ra và lớn lên ở trên bè có biết chữ đâu mà vẫn sống tốt. Tuy vậy, tôi vẫn không nản chí, ra tận bè nói chuyện, kiên trì, động viên từng nhà để bọn trẻ được đi học. Nhờ đó mà tất cả trẻ em sinh ra ở làng chài hiện nay đến tuổi đi học đều được đến trường đầy đủ.
Đồng chí Võ Anh Tuấn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết: Thời gian tới, chính quyền huyện sẽ tập trung hỗ trợ và đầu tư có bài bản hơn việc phát triển kinh tế du lịch tại làng chài, để khai thác hiệu quả tiềm năng này. Làm du lịch không thể nói chung chung được mà phải bắt tay vào giải quyết từng vấn đề cụ thể. Thí dụ như phải xây dựng được một tua tham quan có lịch trình cụ thể để du khách cảm thấy muốn quay trở lại và giới thiệu cho bạn bè đến thăm. Việc nghỉ lại đêm của du khách tại bè mới chỉ đáp ứng được số ít chứ chưa bảo đảm cho những đoàn khách lớn. Bên cạnh đó, huyện sẽ tìm kiếm, kêu gọi những nhà đầu tư có năng lực và tâm huyết để đầu tư xây dựng thêm các điểm du lịch ở khu vực lòng hồ, từ đó hình thành chuỗi du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khép kín với những nét hấp dẫn riêng.
Đêm vùng hồ sâu hun hút. Ngôi nhà bè của anh Nguyễn Văn Triều dập dềnh theo từng con sóng. Nằm nghe sóng vỗ ì oạp vào nhà bè, chốc chốc lại có tiếng cá nhảy bên dưới, chúng tôi cứ thao thức. Chuông đồng hồ 3 giờ sáng báo thức, tôi nhanh chóng dậy để chuẩn bị theo anh Triều đi thu rớ. Sau hai giờ, chúng tôi trở về cũng là lúc ánh bình minh bắt đầu ló rạng.
Trước khi chia tay sau một đêm trải nghiệm cuộc sống người dân làng chài Sê San, tôi hẹn với người dân nơi đây sẽ trở lại để chứng kiến sự đổi thay khi tiềm năng du lịch trên lòng hồ Sê San 4 thành hiện thực. Làng chài Sê San sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ lữ hành của Kon Tum, khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.