banner
Thứ 3, ngày 7 tháng 1 năm 2025
Khi ngư dân lên núi đánh cá, làm du lịch
2-1-2025

Giữa lòng hồ Sê San mênh mông nơi biên viễn Ia H’Drai có một làng chài mang đậm dấu ấn của miền Tây Nam Bộ. Nơi đó có câu chuyện về hành trình của những cư dân miền Tây tha phương mang theo mơ ước về một cuộc sống đủ đầy.

Vượt quãng đường hơn 120km, chúng tôi đến thôn 7, xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) để mục sở thị làng chài - nơi sinh sống của các cư dân miền Tây Nam Bộ. Vừa đến bến xuồng, tiếng một người đàn ông vang vọng: “Ra làng chài Sê San phải không? Lên xuồng tui chở ra”.

Người đàn ông đó là Nguyễn Duy Khánh (sinh năm 1979, quê Hậu Giang), người có 10 năm sống tại làng chài Sê San. Ban đầu, vợ chồng ông Khánh cùng một số họ hàng đến lòng hồ nhỏ ở tỉnh Đăk Lăk để đánh bắt cá. Dần dà, nhiều người từ các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Long An... cũng tụ về. Nhận thấy cuộc sống chật vật vì cá ít, lưới ngư dân lại đông, năm 2014, vợ chồng ông Khánh tìm đến lòng hồ Sê San kiếm kế sinh nhai.

Nghe tôi hỏi ở miền Tây nhiều sông nước đánh bắt cá thuận lợi, sao phải lặn lội đến nơi xa xôi này quăng lưới mưu sinh, ông Khánh thở dài kể: Ở quê chỉ làm được mỗi mùa nước nổi chừng 3 tháng, còn lại phải làm thuê để kiếm sống, nhưng cũng chỉ được ba cọc ba đồng. Ở quê, cá thì ít mà người đánh bắt lại đông nên chẳng được bao nhiêu. Nhà nào có ao nuôi còn đỡ, chứ chỉ chờ trông may rủi như tui thì chắc chắn thiếu hụt.

Chiếc thuyền máy của ông Khánh cứ thế rẽ nước, khoảng chưa đầy mươi phút đã đưa chúng tôi đến với làng chài Sê San. Trước mắt chúng tôi, một ngôi làng đẹp như tranh thủy mặc hiện ra giữa mênh mông sông nước.

Một hộ dân đang quăng lưới bắt cá

Đưa chúng tôi đến nhà bè của mình, ông Khánh tiếp tục kể, những ngày đầu đến Sê San, cuộc sống của ông cùng các hộ dân khác gặp nhiều khó khăn. Mỗi gia đình chỉ sinh hoạt trên một bè nhỏ chừng 4-5m2. Ngày đó, các hộ dân vốn không có hộ khẩu ở huyện Ia H’Drai, họ phải liên tục dạt từ phía này của lòng hồ sang phía kia của lòng hồ, không thể ổn định sinh sống.

Tưởng chừng cuộc sống cứ mãi lênh đênh nhưng đến năm 2015, huyện Ia H’Drai được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Sa Thầy. Những quyết sách tỉnh Kon Tum đã mở ra cơ hội định cư cho dân làng chài. Mỗi hộ được hỗ trợ 400m2 đất ở, 50 triệu đồng và nhập khẩu ở huyện Ia H’Drai.

Có chỗ ở ổn định, vợ chồng ông Khánh mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản. Nếu như trước đây, chỉ đánh bắt cá tự nhiên thì nay vợ chồng ông Khánh đầu tư lồng bè để nuôi thả cá lăng, cá chình, cá rô phi. Hiện, gia đình ông có 5 lồng bè nuôi cá, mỗi năm xuất hàng chục tấn cá thương phẩm thu về 30- 40 triệu đồng.

Để tiện việc làm ăn, vợ chồng ông Khánh làm quen với những vị khách tại các thôn, xã trên địa bàn. Mỗi khi có cá ngon, ông Khánh lại mời họ đến thưởng thức. Lâu dần thành thân thiết, một vài người gợi ý ông Khánh mở dịch vụ du lịch.

“Thấy bạn bè gợi ý nên tui cũng tập tành làm. Ban đầu, tui không làm thực đơn, trên bè có thứ gì thì làm thứ nấy. Trong lúc chờ đợi làm món ăn thì tui chở khách đi ngắm cảnh đẹp ở lòng hồ. Lâu dần, thấy mọi người thích thú dịch vụ này nên tui mở rộng nhà bè, rồi làm thực đơn, niêm yết giá. Khi thanh toán, mọi thứ rõ ràng nên khách vui lòng mà tui cũng thấy thoải mái ” - ông Khánh nói.

Thế rồi, những đoàn khách cứ rỉ tai nhau và tìm đến ông Khánh ngày càng đông. Trung bình, mỗi tháng ông Khánh đón khoảng 70 -100 lượt khách. Sau nhiều năm gắn bó, đến nay, gia đình ông đã có 3 nhà nổi có thể tiếp đón cùng lúc 200 khách.

Du khách thích thú trải nghiệm tại lòng hồ Sê San

Thời gian tới, ông Khánh dự định mua thêm thuyền để du khách có thể trải nghiệm cảnh đẹp giữa lòng hồ. Đặc biệt, vợ chồng ông đang lắp đặt các phòng lưu trú tại nhà nổi để du khách có thể nghỉ ngơi, trải nghiệm qua đêm.

“Từ ngày đến lòng hồ Sê San, cuộc sống của vợ chồng tui khấm khá hơn, có của ăn của để. Nếu cứ bám víu ở quê nhà thì đến miếng ăn từng bữa còn khó chứ nghĩ gì đến chuyện làm ông chủ, bà chủ như bây giờ”- ông Khánh phấn khởi nói.

Rời bè của ông Khánh, chúng tôi lên bè của vợ chồng ông Nguyễn Văn Sơn (39 tuổi). Ông Sơn sinh ra ở An Giang. Phận nghèo, chẳng có mảnh đất cắm dùi, cuộc mưu sinh của gia đình ông Sơn phập phù theo mùa nước nổi. Đầu năm 2010, được người bạn giới thiệu, vợ chồng ông Sơn dắt díu nhau lên Sê San lập nghiệp. Tại đây, vợ chồng ông cắm bè rồi cứ thế sống qua ngày nhờ việc đánh bắt cá. Lòng hồ Sê San trù phú, lượng cá dồi dào, mỗi ngày ông Sơn đánh bắt được khoảng 60kg cá tươi các loại.

Xác định nếu chỉ đánh bắt cá thôi thì chỉ đủ ăn qua ngày chứ chưa thể phát triển kinh tế. Thế là, vợ chồng ông Sơn đầu tư 6 lồng nuôi các loại cá như chình, hô, lăng, chạch, rô phi. Mỗi năm, gia đình ông xuất hàng chục tấn cá thương phẩm thu về 35 - 40 triệu đồng.

Những năm gần đây, giao thông thuận lợi, du khách tìm đến. Gia đình ông Sơn mở thêm dịch vụ du lịch, chế biến những món đặc sản từ cá phục vụ du khách. Theo ông Sơn, chỉ với những món cá đặc trưng như cá lăng, cá chạch, cá chình mang đi hấp, nướng, nấu lẩu là đủ khiến thực khách xuýt xoa. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, làng chài Sê San xuất hiện loại cá cơm nước ngọt. Loài cá này được đánh bắt, phơi khô rồi chế biến thành sản phẩm bánh tráng cá cơm rất được du khách ưa chuộng.

“Thời gian gần đây, khá đông du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ý thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tụi tui đặc biệt quan tâm đến việc chỉnh trang nhà cửa sạch sẽ, đảm bảo thức ăn tươi ngon, hợp vệ sinh”- ông Sơn nói rồi cho biết thêm, mỗi tháng gia đình ông đón khoảng 50 - 70 lượt khách, thu về khoảng 7-10 triệu đồng.

Ông Lê Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết, làng chài Sê San hiện có 29 hộ với 103 nhân khẩu, hầu hết các hộ dân đến từ Tây Nam Bộ. Ngoài việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, người dân làng chài còn tận dụng lợi thế mặt nước và các món ăn đặc trưng từ cá để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện, làng chài Sê San có 6 hộ triển khai các dịch vụ du lịch. Các cơ sở này đều đầu tư hệ thống nhà nổi đảm bảo 3 cứng, có lồng bè nuôi trồng thuỷ sản kết hợp các dịch vụ tham quan, ẩm thực. Mỗi năm, làng chài Sê San đón khoảng 3.500 lượt khách.

Đến làng chài Sê San, lênh đênh cùng các ngư dân miền Tây Nam Bộ, chúng tôi mới thấm thía hơn ý nghĩa của câu “đất lành chim đậu”, “an cư lạc nghiệp”. Thì ra, không chỉ nơi đã chôn rau cắt rốn mới được gọi là quê hương, mà quê hương còn là nơi đã cưu mang ta, cho ta cuộc sống đủ đầy.

Nguồn: Báo Kon Tum
Số lượt xem:63
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 1410 Số người online:
Phát triển:TNC