banner
Thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 2025
Đổi thay làng chài trên sông Sê San
2-6-2023

(LĐTĐ) Sê San - dòng sông chảy qua 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, nơi có mặt nước rộng lớn, nhiều đảo nổi lớn nhỏ với nguồn thủy sản phong phú. Ngày chưa thành lập huyện Ia H’Drai, người miền Tây tìm lên đây “khai thiên lập địa”, sống lênh đênh trên mặt hồ Sê San cũng ngót nghét cả thập kỷ.

Phận đời trôi dạt

Những ngày cuối tháng 5, giữa cái nắng như “cháy da cháy thịt”, chúng tôi tìm đến huyện biên giới Ia H’Drai của tỉnh Kon Tum, nơi có 29 hộ dân làng chài sống tập trung xung quanh lòng hồ Sê San.

Người dân làng chài sống trên lòng hồ Sê San

Đứng bên bến đò, đập vào mắt là một khung cảnh khoáng đạt, bao la sông nước, mây trời làm mê đắm lòng người.

Đón tiếp chúng tôi trên chiếc nhà bè, với khuôn mặt rám nắng, khắc khổ, anh Nguyễn Văn Triều (48 tuổi, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) kể rằng, khi lòng hồ thủy điện Sê San bắt đầu đóng lại, lúc đó cá tôm đổ về ngày một nhiều rồi quây quần nhau trên lòng hồ Sê San. Tôm cá ngày càng sinh sôi, phong phú nhưng không có ai đánh bắt.

Lúc bấy giờ, nghe tin lòng hồ Sê San nhiều tôm cá, anh Nguyễn Văn Triều cầm theo mấy tấm lưới cùng ít lộ phí “liều mình” tìm lên miền sơn cước trên cao nguyên biên giới. Sau khi lân la người dân địa phương, anh men theo lòng hồ Sê San – đoạn giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Gia Lai để khảo sát tình hình.

Đêm hôm đó, anh nhờ chiếc thuyền nhỏ của 2 người quê Bình Phước để ra thả lưới đánh cá. Khi tấm lưới được dỡ lên cũng là lúc niềm vui vỡ òa khi chứng kiến có rất nhiều tôm, cá nằm gọn phía trong.

Thấy đây là “miền đất hứa”, anh Triều nhặt nhạnh những tấm ván nhỏ của người khác vứt bỏ, đóng thành 1 chiếc thuyền nhỏ khoảng 3m2, phía trên che thêm tấm bạt mỏng làm chỗ nấu ăn, ngủ nghỉ. Cứ thế, chiếc thuyền nhỏ luồn từ lạch này đến khe khác khắp lòng hồ Sê San.

Một thân một mình đến miền sơn cước trên cao nguyên biên giới, những người như anh Triều không có lấy một mẩu giấy tờ tùy thân, nên lúc bấy giờ chính quyền địa phương Kon Tum và Gia Lai kiểm tra, xử phạt.

Lúc đó tôm cá nhiều vô kể nên vui mừng khôn xiết, những tưởng sẽ thuận lợi, nhưng do không có một giấy tờ gì nên bị chính quyền 2 tỉnh xử phạt, yêu cầu di chuyển ra lòng hồ”.

“Khi bên phía Gia Lai yêu cầu di chuyển, tôi lại kéo thuyền chạy qua Kon Tum rồi ngược lại. Cứ thế, từ ngày này qua tháng khác, từ năm này qua năm nọ tôi ngược xuôi, trôi dạt trên lòng hồ Sê San mà chẳng có nổi một túp lều tạm để ở”, anh Triều nhớ lại.

Anh Nguyễn Văn Triều tranh thủ phơi lại mớ cá cơm đánh bắt từ lòng hồ Sê San

Đồng cảnh ngộ, hì hục sửa lại chiếc bè cá cũ kĩ, ông Nguyễn Văn Vinh (51 tuổi, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) chia sẻ, hồi đó ở quê khổ quá, quanh năm suốt tháng phải đi làm thuê, cuốc mướn, ai thuê gì thì làm nấy mà ngày công chỉ được trăm nghìn nên không thể đủ trang trải cho gia đình ba miệng ăn. Nghe đứa cháu ruột (tức anh Nguyễn Văn Triều – phóng viên) giới thiệu trên lòng hồ Sê San có nhiều tôm cá nên cả hai vợ chồng khăn gói lên đây đánh bắt cá, kiếm sống qua ngày.

Chỉ tay về phía khu đảo nổi trên lòng hồ Sê San, ông Vinh cho hay: “Ở lòng hồ Sê San này cá tôm nhiều vô kể, nào là cá thát lát, cá lăng… nhưng đặc trưng nhất vẫn là loại cá cơm nước ngọt hảo hạng. Đây chính là nguyên liệu để làm ra cá cơm khô và bánh tráng cá cơm Sê San, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân làng chài”.

Hồi sinh từ miền đất mới

Hiện nay trong số 29 hộ dân sống xung quanh lòng hồ Sê San là người miền Tây, từ An Giang, Long An, đến Đồng Tháp, Kiên Giang… mỗi người một xứ nhưng luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau.

“Ngót nghét” cả thập kỷ sống trôi dạt, lênh đênh trên mặt hồ Sê San, những tưởng rằng họ sẽ buông xuôi trước số phận nghiệt ngã của tạo hóa. Nhưng làng chài trên sông Sê San đã “sang trang” kể từ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, khi chính quyền tỉnh Kon Tum đồng ý cho các hộ dân nhập khẩu, đồng thời hỗ trợ mỗi hộ dân được cấp 400m2 đất thổ cư và 50 triệu đồng để làm nhà.

Nghe tin xong, đêm đó chẳng ai có thể ngủ được vì quá vui mừng, mọi người xúm lại ríu ra, ríu rít cho đến khi con trăng lặn mất từ bao giờ không hay. Bao nhiêu năm trôi nổi từ “con nước” này sang “con nước khác”, 29 hộ dân làng chài cũng chẳng thể ngờ rằng, hôm nay họ được đặt chân lên đất liền định cư.

Anh Nguyễn Thành Nhân (41 tuổi, quê huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) niềm nở “khoe”: “Từ ngày được huyện Ia H’Drai và tỉnh Kon Tum tạo điều kiện, hỗ trợ cấp đất, tiền để an cư lạc nghiệp, gia đình không còn phải đi đánh bắt tôm cá nữa mà chuyển hướng sang làm du lịch cho các đoàn khách từ các tỉnh thành tìm đến ăn uống, trải nghiệm lòng hồ Sê San.

Theo lời anh Nhân, trước đây ở quê, gia đình anh làm nghề đánh cá trên các sông hồ, một năm chỉ có 6 tháng nước là có thể đánh bắt tôm cá, 6 tháng khô còn lại phải đi làm thuê từ việc này đến việc khác. Với đồng bạc ít ỏi, cả 4 miệng ăn trong gia đình chỉ đủ no, con cái không được học hành đàng hoàng. Cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy gia đình anh quanh năm, suốt tháng.

Có khoảng 29 ngôi nhà khang trang nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương

“Rời quê với hai bàn tay trắng lên huyện biên giới Ia H’Drai tìm kế sinh nhai. Cũng may mắn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất ở trên bờ, hỗ trợ kinh phí để xây dựng ngôi nhà. Cũng chẳng mong gì hơn, đến giờ này con cái được đến trường như bao đứa trẻ khác. Hiện một đứa đang là sinh viên năm 2 học tại Huế, một đứa chuẩn bị tốt nghiệp lớp 12”, anh Nhân vui mừng cho hay.

Tương tự, một người dân tại khu làng chài cho hay, cuộc sống nơi đất mới đã hồi sinh. Mặc dù từ nhà đến trường học hơn 12km, nhưng từ chiều chủ nhật, phụ huynh đã sẵn sàng và đón các cháu lên trường “theo chữ” ở lại nội trú, đến chiều thứ 6 lại chở về nhà, sinh hoạt với gia đình.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ông Võ Anh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai cho hay: Đối với các hộ dân làng chài trên lòng hồ Sê San, các ngành chức năng của tỉnh Kon Tum, huyện Ia H’Drai đã có chủ trương cấp đất ở nông thôn, cùng với đó là hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng cho mỗi hộ để xây dựng nhà. Đến nay, các hộ đã lên bờ sinh sống ổn định, còn các bè nổi ở lòng hồ Sê San thì bà con chủ yếu sản xuất, kinh doanh.

“Đối với các hộ dân miền Tây di cư lên lòng hồ Sê San để mưu sinh, huyện cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, về kế sách lâu dài, huyện đang tập trung xây dựng đề án phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái lòng hồ Sê San. Qua đó, sẽ kết hợp với người dân làng chài để tạo sinh kế khác ngoài việc đánh bắt, nuôi thủy sản”, Chủ tịch huyện Ia H’Drai trăn trở.

Nguồn: Lao động Thủ đô
Số lượt xem:1461
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 2326 Số người online:
Phát triển:TNC