banner
Thứ 5, ngày 23 tháng 1 năm 2025
Tổng hợp văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ ban hành trong tháng 02/2017
28-3-2017
Trong tháng 02 năm 2017, Chính phủ đã ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:

1. Nghị định số 08/2017/NĐ-CP ngày 08/02/2017 của Chính phủ quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí: Nghị định gồm 03 chương, 12 điều, quy định về hoạt động lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình, báo điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương, với các nội dung chủ yếu như: (1) Thẩm quyền lưu chiểu điện tử của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí; (2) Trách nhiệm của cơ quan thực hiện lưu chiểu điện tử và trách nhiệm của các cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử; (3) Tiếp nhận tác phẩm báo chí để thực hiện lưu chiểu điện tử; thời gian lưu giữ tác phẩm báo chí được lưu chiểu điện tử; (4) Bảo quản tác phẩm báo chí được lưu chiểu điện tử; sử dụng tác phẩm báo chí được lưu chiểu điện tử; (5) Kinh phí cho hoạt động lưu chiểu điện tử; (6) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương, các cơ quan báo nói, báo hình, báo điện tử và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động lưu chiểu điện tử. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 30/3/2017.

2. Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước: Nghị định gồm 03 chương, 12 điều, quy định về người phát ngôn, chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, với các nội dung chủ yếu như: (1) Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; (2) Hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; (3) Phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ và trong trường hợp đột xuất, bất thường; (4) Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí và của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn; (5) Trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên; (6) Xử lý vi phạm; (7) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan hành chính nhà nước ; (2) Cơ quan báo chí, nhà báo và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động báo chí tại Việt Nam. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 30/3/2017, bãi bỏ các quy định của Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTgngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Nghị định số 10/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng: Nghị định gồm 04 điều, ban hành kèm theo Nghị định này là Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ, cụ thể:

- Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam có 04 chương, 41 điều, với các nội dung chủ yếu như: (1) Chủ sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; (2) Quản lý và sử dụng vốn, tài sản; doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh; lợi nhuận và phân phối lợi nhuận; kế hoạch tài chính, kế toán, kiểm toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; giám sát đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; (3) Quản lý vốn của của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư vào doanh nghiệp khác; (4) Khen thưởng, kỷ luật; (5) Điều khoản thi hành.

- Sửa đổi, bổ sungkhoản 4 Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP về nội dung "Khai, tính và nộp thuế giá trị gia tăng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam".

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2017; bãi bỏ Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 82/2014/NĐ-CPngày 25/8/2014 của Chính phủ.

4. Nghị định số 13/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc: Nghị định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc. Theo Nghị định, Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Dân tộc gồm có 18 đơn vị trực thuộc, trong đó có 13 đơn vị giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 05 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 26/3/2017 và thay thế Nghị định số 84/2012/NĐ-CPngày 12/10/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức củaỦy ban Dân tộc.

5. Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Nghị định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổchức của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Theo Nghị định, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội gồm có 23 đơn vị trực thuộc, trong đó có 17 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 06 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 17/02/2017. Nghị định này thay thế Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; đồng thời bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

6. Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nghị định gồm 06 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo Nghị định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng, chống thiên tai, phát triển nông thôn; quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm có 27 đơn vị trực thuộc, trong đó có 21 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 06 tổ chức sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

 

Nghị định có hiệu lực từ ngày 17/02/2017. Nghị định này thay thế Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

7. Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Nghị định gồm 06 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổchức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo Nghị định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòaxã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối; thực hiện chức năng của Ngân hàng Trung ương về phát hành tiền, ngân hàng của các tổ chức tín dụng và cung ứng dịch vụ tiền tệ cho Chính phủ; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gồm có 26 đơn vị trực thuộc, trong đó có 20 đơn vị hành chính giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng Ngân hàng Trung ương và 06 đơn vị là đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 17/02/2017. Nghị định này thay thế Nghị định số 156/2013/NĐ-CPngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

8. Nghị định số 17/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông: Nghị định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo Nghị định, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử, thông tấn, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm có 28 tổ chức trực thuộc, trong đó có 21 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 07 tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 17/02/2017; thay thế Nghị định số 132/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông.

9. Nghị định số 19/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng: Nghị định gồm 08 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng, với các nội dung chủ yếu như: (1) Chế độ tiền lương đối với công nhân quốc phòng; (2) Chuyển xếp lương; (3) Chế độ phụ cấp thâm niên đối với công nhân và viên chức quốc phòng; (4) Nguồn kinh phí; (5) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Công nhân quốc phòng quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; (2) Viên chức quốc phòng quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; (3) Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2017; các chế độ quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 01/7/2016.

10. Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Nghị định gồm 03 chương, 15 điều, ban hành kèm theo 01 phụ lục, quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (là các giao dịch phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này, trừ các giao dịch kinh doanh đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh giá của Nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá), với các nội dung chủ yếu như: (1) Các bên có quan hệ liên kết; (2) Phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá giao dịch liên kết; các phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch liên kết; (3) Quy định nguyên tắc, phương pháp, trình tự, thủ tục xác định giá giao dịch liên kết; (4) Xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù; (5) Cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết; (6) Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết; (7) Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết; (8) trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý, kiểm tra, thanh tra thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; (9) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp kê khai và có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định này; (2) Cơ quan thuế (bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế); (3) Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc áp dụng quy định về quản lý giá của giao dịch liên kết, bao gồm cả Cơ quan thuế của quốc gia, vùng lãnh thổ có Hiệp định thuế đang còn hiệu lực với Việt Nam.

Nghị định ngày có hiệu lực từ ngày 01/5/2017.

11. Nghị định số 21/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2011/NĐ-CP liên quan đến các quy định về: (1) Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; (2) Khai thuế và điều chỉnh, bổ sung sổ thuế.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 24/02/2017. Bãi bỏ các Điều 2, 3, 6 và Điều 7 Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

12. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại: Nghị định gồm 06 chương, 44 điều, quy định về hòa giải thương mại, với các nội dung chủ yếu như: (1) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại; (2) Chính sách của Nhà nước về hòa giải thương mại; (3) Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại; (4) Hòa giải viên thương mại; (5) Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại; (6) Tổ chức hòa giải thương mại; (7) Hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam; (8) Quản lý nhà nước về hoạt động hòa giải thương mại; (9) Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với hòa giải viên thương mại, tổ chức hòa giải thương mại, tổ chức hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về hòa giải thương mại và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hòa giải thương mại.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2017.

Theo Kontum.gov.vn

 

Số lượt xem:729
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 4261 Số người online:
Phát triển:TNC