banner
Thứ 6, ngày 24 tháng 1 năm 2025
Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue – những điều cần nhớ
13-7-2022

Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây truyền qua trung gian muỗi vằn. Muỗi vằn khi đốt người bệnh sẽ mang và truyền vi rút gây SXHD sang người lành khi muỗi đốt. Bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt lăng quăng, diệt muỗi và không cho muỗi đốt. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Đa phần người mắc bệnh diễn tiến nhẹ, tự khỏi bệnh nhưng cũng có trường hợp bệnh tiến triển nặng và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue:

- Sốt cao đột ngột, liên tục 02 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ sốt.

- Có dấu hiệu xuất huyết (từ ngày thứ 2, 3 trở đi): có dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da; chảy máu chân răng, mũi; nôn hoặc tiêu, tiểu ra máu, phụ nữ bị hành kinh sớm hoặc nhiều.

- Người mệt mỏi.

- Đau: đầu, sau hốc mắt, bụng, cơ, khớp.

Khi có những dấu hiệu nghi ngờ SXHD cần đi khám bệnh để được hướng dẫn theo dõi, điều trị.

Trong những trường hợp SXHD nhẹ được bác sĩ cho về theo dõi và điều trị tại nhà thì cần lưu ý khi người bệnh có các dấu hiệu nặng thì phải nhanh chóng đưa người bệnh SXHD đến khám tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, các dấu hiệu nặng như sau:

- Nôn ói nhiều, đau bụng nhiều.

- Có những dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu cam; chảy máu chân răng; nôn ói ra máu; đi cầu phân đen; xuất huyết âm đạo ở nữ.

- Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân trẻ lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt.

Ngành y tế đã chuẩn bị đầy đủ thuốc để tiếp nhận và điều trị những trường hợp bệnh chuyển nặng. Đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời để được điều trị sớm là chìa khóa để hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

Diệt lăng quăng, diệt muỗi, không cho muỗi đốt là phương pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay. Trong đó diệt lăng quăng là điều quan trọng nhất. Muỗi vằn hay được gọi là muỗi quý tộc vì chúng đẻ trứng ở nơi nước sạch, nước tĩnh. Bất cứ nơi nào đọng nước trong một thời gian dài đều là nơi để muỗi sinh sản. Những vật đọng nước này có thể ở ngay trong ngôi nhà chúng ta đang ở do chúng ta không để ý như chậu nước để quên trên sân thượng, máng xối đọng nước, ly nước cúng, lọ hoa… hoặc ở những nơi đất trống xung quanh nhà, nơi có nhiều rác thải là những chai, ly nước, bịch nilon, vỏ xe…

Để phòng bệnh thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị cần thực hiện các biện pháp sau:

(1) Dành 10 - 20 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

(2) Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến.

(3) Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…

(4) Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

(5) Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

(6) Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

 

Tin: Thanh Xuân
Số lượt xem:1459
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 1093 Số người online:
Phát triển:TNC