Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu khá giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như sốt, đau đầu, đau mỏi cơ. Tuy nhiên, đây là 2 bệnh có yếu tố dịch tễ, đường lây truyền và diễn biến bệnh hoàn toàn khác nhau.
* Giống nhau:
- Đều là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra.
- Dấu hiệu phổ biến là sốt, đau đầu, mỏi người, ớn lạnh.
- Các triệu chứng diễn biến từ nhẹ đến nặng.
- Với triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi và có thể tự hồi phục tại nhà.
- Có nguy cơ diễn biến nặng, có thể gây tử vong, đặc biệt với những người mắc bệnh nền.
- Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi.
* Khác nhau:
Ảnh: Phân biệt triệu chứng sốt xuất huyết với Covid-19 (Ảnh: VnExpress)
* Cần làm gì khi nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết?
Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trong 3-4 ngày đầu, nếu có chỉ định theo dõi tại nhà, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ những lời khuyên sau:
- Nằm nghỉ ngơi;
- Ăn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa; uống nhiều nước, có thể cho bệnh nhân uống dung dịch Oresol, nước trái cây càng tốt;
- Uống thuốc hạ sốt, lưu ý chỉ được hạ sốt bằng paracetamol chứ không được dùng Ibuprofen hoặc Aspirin vì có nguy cơ gây chảy máu đồng thời chườm mát cho người bệnh.
* Lưu ý khi điều trị bệnh sốt xuất huyết
- Khi sốt, người bệnh thường xuyên mệt mỏi, dễ mất nước. Vì thế, cần bổ sung nhiều nước hơn bình thường. Với trẻ em, cần bổ sung 1,5 lít nước trong ngày, với người lớn thì lượng nước cần bổ sung khoảng 2 lít nước.
- Tuyệt đối tránh những loại nước có gas, có màu đỏ, màu đậm vì sẽ gây nhầm lẫn với hiện tượng chảy máu dạ dày nếu người bệnh có hiện tượng nôn.
- Người bệnh sốt xuất huyết cũng nên ăn những loại thức ăn dạng lỏng như cháo, súp hoặc cơm nát. Đồng thời tránh những loại thức ăn có nhiều dầu mỡ, gây khó tiêu, đầy bụng.
- Người bệnh đặc biệt chú ý đến việc tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ, kể cả khi ngừng sốt vẫn phải tái khám. Trong trường hợp người bệnh có hiện tượng lừ đừ, li bì hoặc buồn nôn, đau bụng dữ dội, xuất huyết, tay chân lạnh thì cần đi khám càng sớm càng tốt.
- Theo dõi liên tục, nếu thấy bệnh nhân có diễn biến nghiêm trọng hơn như li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều thì cần phải đưa ngay đến cơ sở y tế.
* Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết
Dịch như sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người như Covid-19 mà lây qua vector (vật trung gian là muỗi). Do vậy, khi người dân chủ động tiêu diệt và giảm mật độ muỗi xuống thì khả năng lây lan sẽ ít hơn.
Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
6. Khi bị sốt và có dấu hiệu bệnh thông báo ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.
Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.
Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.
Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999