Để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức về những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; từ đó chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, thiết nghĩ trong thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể trong tỉnh cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Xây dựng các tổ chức chính trị xã hội vững mạnh toàn diện, hoạt động có hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh ở các cơ quan, đơn vị, địa phương với những phong trào cách mạng rộng khắp tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng con người mới, chống sự xâm nhập và nảy sinh các quan điểm, tư tưởng phản động, phản văn hóa trong đời sống tinh thần của xã hội.
Cấp ủy đảng các cấp phải thực sự coi trọng, xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chương trình học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng. Trường Chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị của các huyện, thành phố phải tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, trong đó dành thời lượng thích đáng cho nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Có biện pháp nâng cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua việc đọc, nghiên cứu các bài viết trên các báo, tạp chí của Đảng.
Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho nhân dân, bồi dưỡng thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng niềm tin khoa học về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn; từ đó củng cố khả năng đề kháng, cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tiến đến tham gia tích cực vào sự nghiệp đấu tranh. Đây là giải pháp cần tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm tiếp tục quá trình nhận thức, nhận thức lại cho thấu suốt, đầy đủ hơn về tầm quan trọng đặc biệt và các nội dung, yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ này, từ đó nâng cao cảnh giác, tự nguyện tham gia cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đảng viên vi phạm trong viết bài, phát ngôn và sử dụng mạng xã hội; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân khi sử dụng mạng xã hội.
Do đặc thù của Internet, mạng xã hội là tốc độ truyền thông tin rất nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, vì vậy, những quan điểm sai trái trên Internet và mạng xã hội có khả năng ảnh hưởng rất nhanh, lan truyền rộng rãi đến nhiều đối tượng. Các lực lượng của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, của Công an dù có trực, theo dõi thường xuyên cũng không thể kịp thời phát hiện hết được những bình luận, chia sẻ tiêu cực của người sử dụng mạng xã hội. Chính vì vậy phải có sự vào cuộc của cấp ủy, bí thư chi bộ, thủ trưởng các cơ quan trong việc quản lý, theo dõi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trong việc sử dụng mạng xã hội; từ đó nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đảng viên, công chức, viên chức; kịp thời có biện pháp giáo dục, uốn nắn những lệch lạc, sai trái, thiếu gương mẫu của đảng viên trong bình luận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Kịp thời phát hiện đảng viên tham gia các hội, nhóm trái quy định của Đảng, Nhà nước, hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây ảnh hưởng xấu đến nội bộ Đảng.
Tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân trở thành người có trách nhiệm khi tham gia sử dụng mạng xã hội: Trách nhiệm chia sẻ thông tin cá nhân lên trang của cá nhân mình; trách nhiệm chia sẻ lại thông tin của người khác; trách nhiệm phản bác lại thông tin xuyên tạc, bịa đặt gây hại cho cộng đồng trên môi trường mạng để mỗi người dân cùng chung tay với các cơ quan chức năng bảo đảm môi trường mạng lành mạnh, phản bác các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; hướng dẫn, định hướng cho nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận biết và tiếp cận những nguồn thông tin chính thống, không để các thế lực thù địch tuyên truyền, phá hoạt tư tưởng.
|
Ba là, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội trong đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta tăng cường dân chủ, đẩy mạnh dân chủ, người dân sẽ ngày càng phát huy vai trò làm chủ của mình, đòi quyền làm chủ của mình, tham gia nhiều hơn vào quá trình giám sát xã hội, phản biện xã hội. Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhất là thông tin trên Internet và mạng xã hội, người dân được tiếp cận với nhiều kênh thông tin, trong đó thông tin chính thống có, phi truyền thống cũng có nên cách nhìn nhận, đánh giá, bình luận của cộng đồng, các nhóm người có xu thế đa biến hơn, phức tạp hơn, công khai và có tính phản biện, quyết liệt hơn. Trong khi đó, một số nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, truyền thông chính thống còn khó khăn, hạn chế; việc nắm bắt dư luận xã hội, định hướng tuyên truyền ở một số địa phương chưa được coi trọng, dẫn đến những thông tin xấu, độc, không chính thống được chia sẻ nhiều, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm và niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền.
Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải coi trọng, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Trước một số vụ việc, vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, phải nhanh chóng cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí của tỉnh và các cơ quan chức năng phục vụ công tác định hướng tuyên truyền.
Đối với các vụ việc phức tạp, “điểm nóng” bị các phần tử cơ hội chính trị, phản động trong và ngoài nước triệt để lợi dụng xuyên tạc, kích động, phải kịp thời, thống nhất trong thông tin và cung cấp nguồn thông tin công khai, chính thống trên các cơ quan báo, đài tỉnh và các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các địa phương, đơn vị để tuyên truyền rộng rãi, tạo thành nhận thức chung trong nhân dân nhằm phản bác, trấn an, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào cấp ủy, chính quyền các cấp.
Kịp thời có biện pháp hữu hiệu xử lý, răn đe đối tượng tung tin sai sự thật, vi phạm pháp luật; nâng cao cảnh giác, tăng sức “đề kháng” cho người dân khi tiếp cận thông tin; vô hiệu hóa các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại tư tưởng của các đối tượng, tổ chức thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước, giúp chúng ta giành được thế chủ động trên lĩnh vực thông tin, tuyên truyền.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, không thể bằng một vài chiến dịch, cuộc vận động mà có thể thành công. Điều quan trọng nhất là phải có quyết tâm chính trị và niềm tin vào chiến thắng, không nôn nóng nhưng cũng không chủ quan, tuyệt đối không để xảy ra “bệnh thành tích” và “bệnh hình thức” trong quá trình thực hiện.
KIM THƠ
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.
Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.
Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.
Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999