banner
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI VỀ QUY CHẾ BẦU CỬ TRONG ĐẢNG THEO QUYẾT ĐỊNH 190-QĐ/TW CỦA BCHTW ĐẢNG KHÓA XIII
30-10-2024

Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng” (gọi tắt là Quy chế 244) được đánh giá là một bước tiến quan trọng về việc mở rộng dân chủ, đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác bầu cử, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng các cấp hai nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025.

Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện, một số nội dung Quy chế 244 đến nay không còn phù hợp với các quy định hiện hành, chưa thực sự chặt chẽ, chưa bao quát hết thực tiễn... Vì vậy, trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá, Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã có Quyết định số 190-QĐ/TW, ngày 10/10/2024 ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng (gọi tắt là Quy chế 190) thay thế Quy chế 244. Quy chế 190 gồm 7 chương, 36 điều, với 3 điểm mới cơ bản sau:

1. MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA QUY CHẾ BẦU CỬ TRONG ĐẢNG

Nếu như theo Quy chế 244, đối tượng và phạm vi điều chỉnh được quy định tại 2 điều, gồm Điều 1 “quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử trong Đảng từ chi bộ đến Ban Chấp hành Trung ương” và Điều 8 “các tổ chức phụ trách bầu cử ở hội nghị ban chấp hành, hội nghị ủy ban kiểm tra... được áp dụng theo các quy định trên” thì Quy chế 190 đã tích hợp 2 điều này và điều chỉnh, bổ sung thành “quy chế này được áp dụng đối với việc bầu cử tại đại hội chi bộ, đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử tại hội nghị ban chấp hành, hội nghị ủy ban kiểm tra”.

Đồng thời, bên cạnh việc áp dụng trong công tác bầu cử tại đại hội, quy chế còn được vận dụng khi cấp ủy, tổ chức đảng giới thiệu đảng viên ứng cử các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Qua đó, đã cụ thể hóa khái niệm “bầu cử trong Đảng” gồm những nội dung nào; bảo đảm tính khái quát, toàn diện, xác định rõ các trường hợp được áp dụng quy chế bầu cử, tạo sự thống nhất trong cách hiểu và thực hiện.

2. BỔ SUNG, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ CỦA CẤP ỦY TRIỆU TẬP ĐẠI HỘI, CÁC TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH VÀ GIÚP VIỆC ĐẠI HỘI TRONG CÔNG TÁC BẦU CỬ

Quy chế 190 đã cập nhật và cụ thể hóa Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về thi hành Điều lệ Đảng”, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng” để xác định rõ hơn trách nhiệm của cấp ủy, các tổ chức điều hành và giúp việc đại hội trong công tác bầu cử.

Theo đó, đã điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ “chuẩn bị các vấn đề về nhân sự đại biểu, đề án nhân sự cấp ủy, ủy ban kiểm tra và kế hoạch tổ chức đại hội” của cấp ủy triệu tập đại hội nêu tại Quyết định số 244-QĐ/TW thành “chuẩn bị đề án nhân sự đại biểu dự đại hội cấp trên; đề án nhân sự cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra và các điều kiện để tổ chức hội nghị ban chấp hành lần thứ nhất bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy theo quy định”.

Đã bổ sung thêm 3 điều, khoản mới so với Quy chế 244, cụ thể: (1) khoản 7, Điều 4, cấp ủy triệu tập đại hội có trách nhiệm “chuẩn bị số lượng, danh sách và nhân sự đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, thư ký đại hội, ban thẩm tra tư cách đại biểu để trình đại hội xem xét, biểu quyết thông qua”; (2) khoản 8, Điều 5, đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội phải “bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy cấp trên trực tiếp và chỉ đạo thực hiện đúng đề án nhân sự ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư cấp ủy đã được cấp có thẩm quyền thông qua cho đến khi bầu được ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy khóa mới”; (3) Điều 7, nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu.

Những điều chỉnh, bổ sung nêu trên đã khắc phục được các hạn chế, lúng túng trong việc xác định trách nhiệm của các tổ chức tham gia công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử tại đại hội như các nhiệm kỳ trước; đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa quy chế bầu cử trong Đảng và các quy định khác của Trung ương.

3. SIẾT CHẶT QUY TRÌNH, THỦ TỤC ỨNG CỬ, ĐỀ CỬ; ĐẢM BẢO SỰ CÔNG BẰNG TRONG VIỆC ĐỀ CỬ, GIỚI THIỆU NHÂN SỰ ĐỂ BẦU CỬ

Qua tổng kết việc thực hiện quy chế bầu cử tại đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025, một số trường hợp nhân sự được đại biểu, đảng viên dự đại hội đề cử ngoài danh sách do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị, được đưa vào danh sách bầu cử và trúng cử.

Tuy nhiên, do Quy chế 244 chưa có cơ chế để sàng lọc nhân sự được đề cử cũng như ràng buộc trách nhiệm đối với người đề cử thêm ngoài danh sách nên còn tình trạng nhân sự được giới thiệu chưa đảm bảo tiêu chuẩn hoặc đề cử vì mục đích cá nhân không trong sáng; đồng thời chưa đảm bảo tính công bằng đối với nhân sự được cấp ủy chuẩn bị thông qua quy trình trước đại hội.

Vì vậy, bên cạnh tiếp tục mở rộng dân chủ, Quy chế 190 đã bổ sung một số quy định nhằm siết chặt kỷ cương trong công tác ứng cử, đề cử, giới thiệu nhân sự tại đại hội, cụ thể: (1) Tại khoản 3, Điều 10, người đề cử nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp ủy của người mà mình đề cử.

Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng; (2) Tại khoản 3, Điều 14, người ứng cử, người được đề cử mà không được cấp ủy triệu tập đại hội đề cử phải bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và phải được từ trên 30% tổng số đại biểu (đảng viên) dự đại hội (hội nghị) đồng ý giới thiệu mới được đưa vào danh sách để đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định.

Trường hợp danh sách gồm nhân sự do cấp ủy triệu tập đề cử, do đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội (hội nghị) về những người được đại biểu đại hội (hội nghị) đề cử và người ứng cử.

Bên cạnh những điểm mới cơ bản nêu trên, Quy chế 190 đã biên tập, bố cục lại một số nội dung, diễn đạt lại một số câu chữ đảm bảo chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện; bổ sung thêm một số nội dung về số dư trong trường hợp cần bầu lấy số lượng từ 1- 6 người (khoản 5, Điều 14), về phiếu không hợp lệ (khoản 2, Điều 15), về danh sách trích ngang các ứng viên (Điều 16)... nhằm phù hợp với yêu cầu từ thực tiễn.

Số lượt xem:4759
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 258 Số người online:
Phát triển:TNC