banner
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
Đổi thay ở huyện biên giới Ia H’Drai
16-3-2020

45 năm sau ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975 - 16/3/2020) và 5 năm thành lập (3/2015 - 3/2020), đến nay, huyện biên giới Ia H’Drai đang đổi thay từng ngày, khoác lên mình tấm áo xanh mướt bởi những rừng cao su.

Nhiều chính sách thu hút người dân đến vùng đất mới

Công nhân của ngành điện lực Kon Tum đang thi công tại xã vùng biên Ia Dal, huyện biên giới Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. 

Là người gắn bó với vùng đất Ia H’Drai từ đầu, chứng kiến sự đổi thay sau 5 năm thành lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cao su Chư Mom Ray Trương Ly cho biết: Ban đầu vùng đất này gần như không có dân, chỉ có lực lượng Công an, Biên phòng; giao thông đi lại rất khó, nhất là vào mùa mưa... Nhưng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nhận định đây là vùng đất tiềm năng để phát triển cây cao su.

Trước thực tế trên, tỉnh Kon Tum đã quyết định chuyển đổi hàng chục nghìn ha diện tích rừng nghèo nơi đây để phát triển kinh tế vùng biên giới. Các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, các đơn vị quân đội của Binh đoàn 15, làng Thanh niên lập nghiệp và doanh nghiệp khác của tỉnh được cấp phép cho thuê đất để cùng chính quyền phát triển kinh tế. Từ những cánh rừng nghèo, sau 10 năm khai hoang, trồng trọt đến nay mảnh đất này đã được phủ xanh bởi 24.000 ha cây cao su.

“Nơi đây có thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình phù hợp nhất với cây cao su. Hiện vườn cây cao su mới cạo mủ được năm 3 - 4 nhưng năng suất đạt 1,7 - 1,8 tấn/ha. Đây là năng suất rất cao so với vùng Tây Nguyên. Sau hơn 10 năm bám rễ, cây cao su đã có chỗ đứng vững chắc nơi vùng biên này”, ông Trương Ly khẳng định.

Từ ngày đầu thành lập, huyện Ia H’Drai cũng có những bước đi phù hợp để cùng doanh nghiệp thu hút lao động đến vùng đất mới. Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương và địa phương còn khó khăn, huyện Ia H’Drai đã vận dụng sáng tạo các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn để tạo nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng. Các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm và các tuyến đường liên thôn, xã, đường vào khu sản xuất… được ưu tiên đầu tư, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.

Bên cạnh đó, các chính sách thu hút công dân của huyện làm công nhân cho các công ty cao su cũng được tỉnh triển khai đồng bộ. Khi đến định cư, người dân được tạo việc làm ổn định với mức thu nhập ít nhất 6 triệu đồng/tháng, mỗi lao động còn được cấp đất, hỗ trợ xây dựng nhà để tăng thu nhập.

“Tôi vào đây, được chính quyền cấp đất ở cả nghìn mét vuông, hỗ trợ 50 triệu xây dựng nhà và cấp đất sản xuất để trồng cây công nghiệp. Điều này dần dần giúp cuộc sống của tôi và người dân nơi đây ổn định. Chúng tôi mong muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất vùng biên này”, anh Nguyễn Công Bắc, công nhân Công ty Chư Mom Ray chia sẻ.

Cùng với đó, các công trình thủy lợi, khai hoang đồng ruộng cũng đã góp phần phá thế độc canh cây cao su nơi đây. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt gần 28.000 ha, tổng đàn gia súc tăng mạnh. Các diện tích ao hồ, nuôi trồng thủy sản được người dân tận dụng tối đa để tăng gia phát triển kinh tế với các loại cá có giá trị kinh tế như cá lăng, cá chình bông… với sản lượng thủy sản đạt hơn 200 tấn.

Theo ông Nguyễn Hữu Thạch, trong thời gian tới, huyện sẽ có nhiều chủ trương để thu hút người dân như: cấp đất thổ cư cho dân ở các điểm quy hoạch khu dân cư; ngoài tạo công ăn, việc làm, người dân còn được nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng (diện tích gần 60.000 ha rừng tự nhiên). Trong đó, người dân có thể sử dụng 30% diện tích đất trống trong khu vực nhận khoán để phát triển sản xuất. “Việc làm trên giúp bảo vệ rừng, tạo sinh kế giúp dân gắn bó với rừng” ông Nguyễn Hữu Thạch nhấn mạnh.

Trở thành huyện kiểu mẫu vùng biên

Khám, phát thuốc chữa bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho nhân dân xã vùng biên Ia Đal, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. 

Huyện Ia H’Drai giáp biên với các huyện Đun Mia và Tà Veng tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Hiện tại, huyện có 3 xã là Ia Dom, Ia Đal và Ia Tơi. Ngày đầu thành lập, Đảng bộ huyện có 3 chi bộ, với 65 đảng viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và phát triển huyện. Sau 5 năm thành lập, huyện có 23 tổ chức cơ sở đảng, gồm 16 chi bộ và 7 đảng bộ. Toàn huyện không còn thôn, làng "trắng" cơ sở đảng.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chư Mom Ray nhấn mạnh: Là huyện vùng biên, tình hình an ninh - trật tự, đảm bảo an sinh xã hội được các cấp chính quyền và doanh nghiệp ở đây đặt ưu tiên hàng đầu. Bởi an ninh quốc phòng có đảm bảo thì các công ty mới an tâm phát triển kinh tế, góp phần giúp Ia H’Drai ngày một phát triển.

Mục tiêu đã xác định nên ngay từ những ngày đầu, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn đã xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh trong từng đơn vị. Theo đó, công nhân của các công ty cao su khi vào đều được bồi dưỡng, đào tạo, hướng dẫn, huấn luyện để trở thành những "chiến sỹ không chuyên" nơi vùng biên.

Anh Tống Quang Thuận, Phòng Thanh tra bảo vệ Công ty Chư Mom Ray, cho biết, ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế, công nhân còn phối hợp cùng lực lượng chức năng tuần tra dọc vùng biên, tham gia dọn dẹp, bảo vệ cột mốc, trực gác vùng biên.

Theo ông Nguyễn Hữu Thạch, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện, địa bàn Ia H’Drai rộng, đường biên dài nên công tác bảo đảm an ninh vùng biên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi huyện được thành lập, người dân ở các nơi trong và ngoài tỉnh vào đã giúp Ia H’Drai bảo vệ tốt cột mốc, đường biên. Hàng năm, chính quyền các cấp đều tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ cột mốc, đường biên. Mỗi thôn, làng đều nhận khoán bảo vệ từng kilômét đường biên cụ thể. Ngoài ra, chính quyền và các doanh nghiệp đều chủ động sắp xếp, xây dựng các điểm dân cư ở sát vành đai, gắn nghĩa vụ và trách nhiệm của công nhân với việc bảo vệ an ninh quốc phòng. Đồng thời, công nhân cũng tham gia ký cam kết bảo vệ an ninh trật tự, cột mốc, đường biên theo cá nhân, hộ, tập thể.

Nhờ những biện pháp trên, nhiều vụ việc vi phạm an ninh đường biên, cột mốc đã được người dân, những “chiến sỹ không chuyên” vùng biên nơi đây phát hiện và thông báo nhanh, kịp thời cho lực lượng chức năng xử lý, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Tiềm năng và lợi thế ở Ia H’Drai đang được chính quyền, doanh nghiệp và người dân khơi dậy để mang lại sức sống mới nơi đây. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều với Ia H’Drai. “Trong thời gian tới, huyện Ia H’Drai sẽ tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện ngày một vững mạnh; tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Chính quyền kêu gọi doanh nghiệp nghiên cứu chế biến sâu mủ cao su để nâng cao hiệu quả trong trồng trọt, góp phần tăng thu cho doanh nghiệp, người lao động. Với tiềm năng và thế mạnh của mình, tôi tin tưởng huyện Ia H’Drai sẽ phát triển bền vững và trở thành huyện kiểu mẫu vùng biên giới”, ông Nguyễn Hữu Thạch khẳng định.

 

 

 

Nguồn: baotintuc.vn
Số lượt xem:1244
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 2416 Số người online:
Phát triển:TNC