banner
Thứ 5, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Độc đáo măng rừng treo gác bếp
11-10-2023

Trong chuyến công tác về xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) vừa qua, chúng tôi được “mục sở thị” về quy trình làm măng rừng treo gác bếp của những phụ nữ ở địa phương này. Đây là cách bảo quản măng rừng truyền thống, giữ nguyên hương vị tươi ngon của măng trong thời gian dài và tạo nên nguồn thực phẩm dự trữ cho các gia đình nơi đây. 

Băng qua những vườn cao su nằm cách xa trung tâm xã Ia Dom về hướng Đông - Bắc, những phụ nữ Thái Đen ở thôn Ia Muung tìm đến khu vực bờ lô hợp thủy, nơi có nhiều bụi lồ ô, tre, nứa mọc tự nhiên để thu hoạch măng. Qua bàn tay khéo léo của những phụ nữ Thái Đen, những búp măng nhanh chóng được lột lớp vỏ, phần ruột tươi xanh bên trong hiện ra.

Bà Hà Thị Thiếp, quê ở huyện miền núi Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa), di cư vào thôn Ia Muung sinh sống từ năm 2015 cho biết, từ lúc còn ở quê nhà, mỗi khi đến mùa măng, bà đều đi thu hoạch măng rừng cùng mẹ và các cô, dì của mình. Từ khi vào thôn Ia Muung sinh sống, bà vẫn giữ thói quen đi lấy măng rừng.

“Măng rừng là nguồn thực phẩm phổ biến trong gia đình người Thái Đen, măng được chế biến, bảo quản theo phương pháp truyền thống của người Thái Đen nhằm sử dụng để chế biến thành các món ăn trong bữa cơm hàng ngày và trong ngày lễ, sự kiện quan trọng. Phụ nữ người Thái Đen chúng tôi đều biết đi rừng lấy măng và bảo quản măng để ăn quanh năm. Trong các loại măng, măng nứa được chúng tôi thu hoạch nhiều nhất, bởi loại măng này có kích thước vừa phải, hương vị ngon và giữ nguyên vẹn màu trắng như lúc vừa thu hoạch trong suốt thời gian dài hay khi đem đi chế biến thành các món ăn”- bà Hà Thị Thiếp giới thiệu.

Sau một buổi đi thu hoạch măng rừng, bà Thiếp và những phụ nữ Thái Đen ở thôn Ia Muung hồ hởi trở về nhà. Mọi người đổ những bao măng ra một cái nia lớn và bắt đầu làm măng rừng treo gác bếp. Những búp măng được phụ nữ nơi đây dùng dao gọt tỉ mỉ, rồi lau bằng khăn sạch, sau đó bỏ vào túi ni-lông cột chặt lại đem đi hấp chín.

Chị Vi Thị Thương, là hàng xóm của bà Thiếp giải thích tỉ mỉ cho tôi về từng công đoạn chế măng của phụ nữ Thái Đen. Chị Thương cho biết: Những con dao chúng tôi dùng để gọt măng là do người đàn ông Thái Đen rèn. Việc dùng khăn lau sạch măng rồi bỏ vào túi ni-lông là để măng thật khô, không bị úng nước sau khi hấp chín. Măng được gọt kích thước gần bằng nhau, mỗi búp măng chúng tôi dùng dao xẻ dọc thành 4 phần và mỗi túi măng khoảng 1kg. Làm như vậy, chúng tôi có những túi măng có số lượng vừa đủ để chế biến món ăn khi cần. Những túi chứa măng được xẻ dọc, chúng tôi thường dùng để làm món gỏi, măng luộc, măng xào, canh măng hầm xương. Chúng tôi còn làm những túi măng chứa những búp măng còn nguyên vẹn để sau này dùng làm món măng nhồi thịt lợn hấp, là món ăn ưa thích trong các gia đình người Thái Đen.

Sau 1 giờ đồng hồ hấp cách thủy bằng bếp củi, những túi ni-lông chứa măng rừng căng phồng do hơi nóng, các búp măng vẫn giữ nguyên màu trắng hơi ngả vàng và đặc biệt không bị đọng nước bên trong.

“Ngày xưa, chúng tôi hấp măng bằng ống lồ ô. Ngày nay, có túi ni-lông nên việc làm măng rừng treo gác bếp trở nên thuận lợi. Chính vì lau măng bằng khăn sạch và bỏ vào túi ni-lông bịt kín nên măng bảo quản được trong thời gian dài, luôn giữ được hương vị thơm ngon và giòn, không bị chua hay bị hỏng. Trong quá trình làm măng rừng treo gác bếp, chúng tôi đều sử dụng bao tay để đảm bảo vệ sinh. Nếu đôi tay hay các dụng cụ sơ chế không sạch sẽ, chắc chắn măng rừng sau khi hấp sẽ bị hỏng và không bảo quản được lâu”, chị Thương cho biết thêm.

Những túi măng sau khi hấp chín được treo lên cao, trong gian bếp nấu để bảo quản. Ảnh: ĐT – Báo Kon Tum

Những túi ni-lông chứa măng rừng sau khi hấp chín được những phụ nữ Thái Đen treo cẩn thận trên cao, trong gian bếp nấu của gia đình. Một số hộ phụ nữ còn làm nhiều măng rừng treo gác bếp để tặng cho người thân, bạn bè và bán ra thị trường kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Chị Hoàng Thị Sin, dân tộc Kinh, trú tại thôn 1 (xã Ia Dom) cho biết, phụ nữ người Thái Đen ở thôn 1 thường làm măng rừng treo gác bếp. Chị thấy đây là cách bảo quản măng rừng rất hay nên đã học làm theo. Hiện nay, dưới mái hiên trước cửa gian bếp của gia đình chị Sin đang treo rất nhiều túi ni-lông chứa măng rừng, mỗi túi nặng khoảng 1kg và được bán với giá 30.000 đồng/túi.

Chị Sin chia sẻ, chị và các chị em trong thôn đều bảo ban nhau gìn giữ rừng, không tác động đến các bụi lồ ô, tre, nứa mọc tự nhiên và thu hoạch măng vừa phải để giữ nguồn măng rừng.

Nhận xét về măng rừng treo gác bếp, bà Phùng Thị Kim Dung- Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Dom cho biết, đây là cách bảo quản măng rừng lâu dài và hiệu quả, là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người phụ nữ Thái Đen ở xã Ia Dom. Hiện nay, trên địa bàn xã Ia Dom, măng rừng treo gác bếp không chỉ xuất hiện trong các gia đình người Thái Đen mà còn có cả ở trong các gia đình của đồng bào các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn.

Măng rừng treo gác bếp khi chế biến món ăn luôn giữ hương vị thơm ngon và tươi giòn. Ảnh: ĐT – Báo Kon Tum

“Chúng tôi luôn vận động các chị em bảo vệ rừng và duy trì, nhân rộng cách làm măng rừng treo gác bếp để có nguồn thực phẩm dự trữ, cải thiện bữa ăn hằng ngày và tạo nên đặc sản ẩm thực cho địa phương”-bà Phùng Thị Kim Dung khẳng định.

Nguồn: Báo Kon Tum
Số lượt xem:995
Bài viết liên quan:
public Liên kết website

 

Trang chủ|Đăng nhập
 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM

Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.

Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.

Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai

Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.

Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999

Chung nhan Tin Nhiem Mang

138902 Tổng số người truy cập: 8092 Số người online:
Phát triển:TNC