Trong bối cảnh mà việc loại trừ virus SARS-CoV-2 có thể là bất khả thi, thì phải xem nó như là một "hiện tượng" hay một "phần tất yếu" của thế giới hiện đại, và phương án phải sống chung với đại dịch này đang dần được chấp nhận.
Vệ sinh nhà và nơi làm việc có sử dụng chất sát khuẩn để phòng bệnh.
Như vậy, trong cuộc chiến cam go này, thay vì theo đuổi mục tiêu "xóa sổ virus", chúng ta chuyển sang mục tiêu "vừa đánh vừa đàm", có nghĩa là phải học cách sống chung với dịch. Để làm được như vậy, trước hết phải thay đổi từ nhận thức về đại dịch, từ đó mới thay đổi hành động ứng phó.
1. Về nhận thức: Chúng ta phải hiểu biết cặn kẽ về căn bệnh cũng như đại dịch này, hiểu rõ các khả năng lây nhiễm, không hoang mang lo lắng, không sợ hãi thái quá, thay vào đó là sự bình tĩnh, tự tin, hiểu biết và trách nhiệm.
2. Về hành động cụ thể: Chúng ta phải thực hiện nghiêm túc và có trách nhiệm nguyên tắc 5K trong hầu hết các hoạt động xã hội, song hành với đó là các kỹ năng cơ bản để sống chung với dịch như:
Thực hiện thông điệp 5K một cách nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, có trách nhiệm và đồng bộ: mỗi một "K" đều phải thực thi đúng chuẩn, không qua loa, đối phó. Bên cạnh đó chúng ta còn phải vận động mọi người xung quanh cùng hưởng ứng thực hiện.
3. Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19: Đừng chần chừ vì đây là ưu tiên quan trọng cùng với thông điệp 5K, chúng ta phải hiểu rõ nguyên tắc "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất"
4. Về vấn đề chăm sóc sức khỏe: Chúng ta cần phải được tư vấn đầy đủ và kịp thời các thông tin cần thiết liên quan đến sức khỏe nói chung và nghi ngờ COVID nói riêng, chúng ta phải chọn một cơ sở y tế mà mình cảm thấy thuận tiện, từ đó thiết lập nên một kênh liên lạc để nhận được sự tư vấn từ bác sĩ. Bên cạnh đó, việc cài đặt các ứng dụng được khuyến cáo nhằm cảnh báo nguy cơ tiếp xúc gần rất cần thiết như ứng dụng PC-COVID.
5. Nâng cao thể trạng: Hơn lúc nào hết, chúng ta phải quan tâm đến việc giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể bản thân mình bằng cách ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau quả. Cần từ bỏ hoặc giảm tối đa các yếu tố gây hại (nếu có) như rượu bia, thuốc lá... thay vào đó là sự rèn luyện, bồi bổ về thể chất lẫn tinh thần một cách khoa học và hợp lý. Khoa học ở đây có nghĩa là làm đúng theo hướng dẫn, còn hợp lý ở đây là tùy thuộc theo điều kiện hiện tại của bản thân.
6. Vệ sinh nhà và nơi làm việc có sử dụng chất sát khuẩn: Đây là việc nên làm thường xuyên, vừa ngừa được COVID-19, vừa ngừa được nhiều bệnh nhiễm khuẩn khác.
7. Thay đổi thói quen sinh hoạt: Đây có thể xem như một cơ hội để chúng ta "ghi điểm" đối với người thân của mình khi thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" hay nói cách khác "đi đến nơi, về đến chốn". Có nghĩa là từ nay chúng ta sẽ không còn "la cà" như xưa nữa, mà mỗi khi tan ca, ta lại trở về nhà và thực hiện trách nhiệm đối với gia đình.
8. Đối với những người có bệnh nền: Với người có các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính… cần tuân thủ quy trình điều trị một cách tuyệt đối, phải kiểm soát được bệnh của mình, phải cùng với bác sĩ đặt ra các tình huống có thể xảy ra trong thời dịch bệnh và các phương án ứng phó để không bị động, bất ngờ.
Đại dịch này sẽ còn kéo dài và việc sống chung an toàn với nó là một xu thế của thế giới ngày nay khi xem đây là một phần tất yếu của cuộc sống loài người và không còn sự lựa chọn nào khác.
Trước hết, chúng ta đều phải thực hiện thông điệp 5K, nâng cao sức đề kháng của cơ thể để đối diện với nó.
Bên cạnh đó, có lẽ chúng ta phải sắp xếp lại công việc, “thiết kế” lại cuộc sống để bình tĩnh sống chung với dịch, đề phòng đừng để nó làm tổn hại sức khỏe, không làm ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, không để nó gây hại đến các mối quan hệ của con người, không làm cản trở đến giáo dục, và quan trọng nhất là không ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ mai sau.
Sống chung với dịch không có nghĩa là đầu hàng, mà phải xem đây là một sự thay đổi về chiến lược để từng bước làm chủ tình hình và tiến đến kiểm soát hoàn toàn đại dịch.
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.
Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.
Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.
Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999