Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 18-02-2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, chất lượng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo đó, hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được phát triển đến các xã vùng sâu, vùng xa; một số công nghệ đã được ứng dụng trong quản lý nhà nước và hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, cảnh báo thiên tai trên địa bàn tỉnh…
Các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số được tích cực triển khai thực hiện. Dự án chuyển đổi, triển khai hệ thống mạng, bảo mật Internet IPv6 và hệ thống phân giải tên miền DNSSEC tỉnh Kon Tum đã hoàn thành công tác thẩm định. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% cơ quan đảng và nhà nước bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, với 204 cơ quan, đơn vị, địa phương. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), hiện đã kết nối 18/23 CSDLQG/HTTT của các Bộ, ngành Trung ương. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến 100% trung tâm xã và 52,8% hộ gia đình; mạng di động băng rộng (3G, 4G) đã phủ đến 100% trung tâm thôn; mạng 5G được triển khai một số khu vực tại thành phố Kon Tum. Danh mục cơ sở dữ liệu mở tỉnh Kon Tum với 64 Cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của 17 lĩnh vực và 199 CSDL mở của 14 lĩnh vực. Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh hiện đã cập nhật 75 bộ dữ liệu thuộc 12 lĩnh vực của 31 cơ quan, đơn vị. Dự án nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được các ngành tích cực triển khai nhằm đảm bảo kết nối, chia sẻ với Trung tâm dữ liệu vùng và Trung tâm dữ liệu Quốc gia. Bước đầu ưu tiên thực hiện chuyển đổi số đối với các số lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công thương, năng lượng, ngân hàng...
Hệ thống chính quyền số được xây dựng, các đô thị thông minh được hình thành và kinh tế số được phát triển. Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã chú trọng ứng dụng các nền tảng phục vụ công tác điều hành, hoạt động từ cấp tỉnh đến cơ sở. Hệ thống phần mềm điều hành của chính quyền các cấp trên môi trường số được triển khai có hiệu quả, bảo đảm tập trung, thông suốt, đáp ứng yêu cầu. Đến nay, 100% thủ tục hành chính “” thuộc 03 cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh (các lĩnh vực như: đất đai, xây dựng) đã thực hiện tiếp nhận, theo dõi trạng thái xử lý hồ sơ và trả kết quả thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Đã xây dựng lộ trình và tăng cường nguồn lực đầu tư để hình thành các đô thị theo hướng thông minh như việc triển khai lắp đặt Camera an ninh, giám sát trật tự đô thị; lắp đặt, quản lý vận hành hệ thống điện chiếu sáng công lộ thông minh ở thành phố Kon Tum; lập dự án xây dựng Trung tâm điều hành, xử lý tập trung đa nhiệm và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số huyện Kon Plông; ứng dụng Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, Hệ thống camera an ninh thông minh... ở các huyện. Trên địa bàn tỉnh có 03 doanh nghiệp (VNPT, Viettel, Mobifone) triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa giá trị nhỏ Mobile Money với 31 điểm giao dịch phục vụ 37.966 thuê bao. Nền tảng giao hàng tiết kiệm; giao hàng nhanh... đã dần tiếp cận đến các xã, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở khu vực nông thôn. Đến tháng 12-2023, số doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số là 294 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 65%); doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số là 86 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ 19%). Số doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ hóa đơn điện tử đạt 100%. Trên 98% doanh nghiệp tham gia khai thuế điện tử và 100% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Toàn tỉnh có 438.133 người dùng internet (chiếm tỷ lệ 75,5% tổng dân số toàn tỉnh). Có 485.783/513.308 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được đồng bộ, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư (đạt tỷ lệ 95%). Chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội, người hưởng lương hưu, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là 15.444/18.634 người (đạt tỷ lệ 83%).
Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum với điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, kinh phí và nguồn nhân lực tham gia hoạt động chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu. Phát triển hạ tầng số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khả năng sử dụng thiết bị công nghệ để thực hiện dịch vụ công của người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số địa phương, đơn vị vẫn chưa quan tâm chú trọng đến công tác chuyển đổi số. Chính vị vậy, chất lượng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Nhiều chỉ tiêu mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra chưa đạt như: 80% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức chuyển đổi số; 80% dữ liệu quản lý của các cơ quan, đơn vị được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả; kinh tế số chiếm 20% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực >10%; doanh nghiệp chuyển đổi số >80%; cáp quang đến Hộ gia đình >80%; xếp hạng DTI thứ 35; hình thành đô thị thông minh tại TP Kon Tum và huyện Kon Plông...
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN IA H'DRAI - TỈNH KON TUM
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân huyện Ia H'Drai.
Người chịu trách nhiệm chính: (Ông) Nguyễn Tiến Dũng - HUV - Phó chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai.
Tổ trưởng tổ biên tập: (Ông) Nguyễn Xuân Thái - Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Ia H'Drai - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai
Quản lý thường trực: Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông, huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.
Email: iahdrai-kontum@chinhphu.vn; Điện thoại: 02606521999